Bản tin văn bản pháp luật tuần 20/03/2025

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 9 LUẬT SỐ 56/2024/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHỨNG KHOÁN 

Tại kỳ họp thứ 8 ngày 29/11/2024 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật số 56/2024/QH15. Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (trừ quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 và khoản 9 Điều 1 của Luật này; quy định về vốn chủ sở hữu tại điểm a khoản 11 Điều 1 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026). Luật số 56/2024/QH15 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tại Luật chứng khoán số 54/2019/QH14, trong đó một số điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng như sau: 

1. Luật hoá định nghĩa về thao túng thị trường chứng khoán  

Khoản 1, Điều 1, Luật số 56/2024/QH15 quy định thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện một trong các hành vi sau đây: 

  • Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; 
  • Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; 
  • Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán; 
  • Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; 
  • Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; 
  • Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán. 

(Trước đây chưa quy định tại Luật số 54/2019/QH14 mà chỉ hướng dẫn tại khoản 2, điều 3, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) 

2. Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của người lao động không cần làm thủ tục giảm vốn 

Khoản 13 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15 quy định, trường hợp công ty mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty thì công ty không phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ đối với số cổ phiếu được công ty mua lại. 

(Trước đó Khoản 6, Điều 36, Luật số 54/2019/QH14 quy định công ty mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty thì công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo mệnh giá số cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên). 

3. Bổ sung hướng dẫn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp 

Khoản 3 Điều 1 Luật số 56/2024/QH15 bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả cá nhân có quốc tịch nước ngoài và tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó: 

  • Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. 
  • Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu thuộc một trong 02 trường hợp sau đây: 
  • Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm đối với trái phiếu đó; 
  • Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng đối với trái phiếu đó. 

(Trước đó Luật số 54/2019/QH14 chưa có quy định nêu trên).